Trần Đông Đức
Viết cho BBC từ Wisconsin
Nhiều trang trại nhân sâm ở Wisconsin do người Hmong cai quản
Một phái đoàn thuộc hiệp hội nhân sâm Hoa Kỳ của bang Wisconsin (Ginseng Board of Wisconsin) do ông chủ tịch Butch Weege dẫn đầu đang trên đường đến Việt Nam để tiếp thị loại sâm Hoa Kỳ vào khu vực thị trường Đông Nam Á.
Đây là một chiến lược mở rộng thị trường sâm Hoa Kỳ nhằm đa dạng hóa thị trường cho lĩnh vực dược liệu và bào chế sản phẩm thuộc về sâm mà lâu nay những người trồng sâm Hoa Kỳ được coi là chưa có sự quan tâm đúng mức.
Sâm Hoa Kỳ là một chủng loại nhân sâm sinh trưởng tự nhiên ở Bắc Mỹ do các nhà truyền giáo thám hiểm tìm ra nay trở thành một thương phẩm đại diện cho một trong những đặc sản cao cấp của nước Mỹ.
Tuy Trung Quốc tuy là nơi phát hiện ra dược tính của nhân sâm từ thời cổ đại nhưng trên thị trường nông sản hiện nay chỉ có hai loại sâm được sự thừa nhận về nơi xuất xứ có thương hiệu quốc gia đi kèm là sâm Hoa Kỳ và sâm Cao Ly.
Người Triều Tiên bảo vệ danh tiếng sâm Cao Ly rất chặt chẽ như quốc hồn quốc tuý. Nhưng người Mỹ nói chung thì sự hiểu biết về nhân sâm còn ít.
Do đó, cho dù là nơi sản xuất và nuôi trồng sâm danh tiếng, người Mỹ hiện gần như để doanh gia Trung Quốc ra sức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm này.
Chênh lệch lợi ích
Tiểu bang Wisconsin là nơi đầu tiên nhân giống được loài nhân sâm này vào thế kỷ thứ 19. Hiện nay lượng sâm từ bang Wisconsin chiếm đến 90% thị trường sâm Hoa Kỳ thế giới.
Về mặt dư luận, nhân sâm và chân gà (người Mỹ không ăn chân gà) được báo chí thỉnh thoảng nhắc đến là một trong những mặt hàng điển hình xuất cảng sang Trung Quốc để góp vào việc điều chỉnh thâm thủng mậu dịch Trung-Mỹ .
Nhưng trên thực tế Trung Quốc cũng đã trồng loại sâm này và muốn bảo hộ mậu dịch cho sản phẩm nông nghiệp.
Sâm Hoa Kỳ trồng tại Trung Quốc không cho chất lượng tốt vì dư lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Sâm Hoa Kỳ chỉ đạt tiêu chuẩn tốt nhất khi trồng ở Bắc Mỹ, đặc biệt tại Wisconsin vì thích hợp khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.
Tuy nhiên, trồng nhân sâm là một quá trình đầu tư lao động vất vả và mạo hiểm, phải tới năm năm mới thu hoạch củ sâm nhỏ bằng ngón tay. Nguồn Trung Quốc đã xâm nhập và pha trộn vào nguồn hàng khiến giá sâm bị phá hỗn loạn ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, phần lớn nguồn sâm Hoa Kỳ chính gốc trồng tại Wisconsin đều đã rơi vào tay người Trung Quốc. Với thương hiệu sâm Hoa Kỳ - Wisconsin thượng hạng này trong tay, người Trung Quốc cũng biến giá nhân sâm từ nông trại Wisconsin đến thị trường Hồng Kông, Đài Loan chênh lệch lên đến hàng ngàn phần trăm.
Sâm Hoa Kỳ đã làm nhiều người gốc Hoa trở thành triệu phú như buôn vàng trắng (Sâm Hoa Kỳ còn gọi là bạch sâm, khác với Sâm Cao Ly gọi là Đan Sâm).
Những người trồng sâm mới, điển hình là người Hmong nay đã trồng tới 30% sản lượng sâm ở Wisconsin nhưng đa số vẫn trong cảnh làm thuê cho những chủ nhân đến từ Trung Quốc.
Nhia Thai Vang, một chủ trại sâm ở Wisconsin cho biết công việc trồng sâm rất vất vả chỉ có người Hmong là còn làm được.
Tuy là triệu phú nhưng vợ chồng con cái nhà Nhia Thau Vang phải tự đi vun trồng nhổ cỏ. Dưới bàn tay lao động của người Hmong, họ tạo nên những luống sâm tươi tốt, gần với sản phẩm tự nhiên nhất vì không tưới thuốc trừ sâu diệt cỏ.
Nhưng những luống sâm như thế này đã có chủ vì một năm trước đó từng đoàn thương lái đến từ Trung Quốc đã đặt mua và trả tiền trước.
Thương lái Trung Quốc cũng làm cách này với cả nông gia người Mỹ. Do đó, giá cả được kiểm soát và ép rẻ từ nguồn.
Các công ty nhân sâm của Trung Quốc cũng đặt bản doanh tại thành phố Wausau, thủ phủ sâm Hoa Kỳ thế giới để thiết lập thị trường buôn bán. Đến mùa thu hoạch, thành phố thưa thớt của vùng Trung Tây bỗng biến thành khu như Chinatown.
Tuy là thế, nhưng người ở Mỹ thật sự hưởng lợi rất ít từ đặc sản trời cho này ngay trên chính mảnh đất của mình.
'Giàu có và sang trọng'
Để tránh trường hợp bị nhiễu loạn về thương hiệu, các nông gia Mỹ tại Wisconsin đã thành lập hiệp hội nhân sâm đề ra tiêu chuẩn phẩm chất nghiêm ngặt do bộ nông nghiệp kiểm định.
Tuy nhiên, đây là một bước đi gian nan bởi vì ngay cả hiệp hội nhân sâm chỉ kiểm soát được một phần thị trường trong biên mậu hàng trăm triệu đô-la.
Ngoài ra, các nông gia người Hmong dần dần thành nguồn sản xuất hầu như không có sự tiếp xúc nào với hiệp hội mà chỉ bán khoán cho thương lái Trung Quốc.
Đối với người Trung Quốc, nhân sâm là một đặc điểm văn hóa. Người ta thêu dệt về nó bao nhiêu huyền thoại. Nhân sâm như đời người, càng gian nan vất vả thì giá trị. Do đó, trồng sâm không phải là do tưới tẩm tốt mà thành trong đó phải có sự gian nan của không gian thời tiết. Nhân sâm phải được trồng trong bóng râm do đó tất cả trang trại phải được che kín như ánh sáng dưới tán cây rừng.
Nhân sâm mất nhiều năm mới cho củ
Ngoài giá trị y học cổ truyền của người Trung Quốc, nhân sâm như có cả linh hồn về mặt văn hoá. Những cây sâm hoang dã ở Bắc Mỹ có giá hàng chục ngàn đô-la. Có nhiều người Hoa mua sâm về để treo trong nhà như là biểu tượng giàu có và sang trọng.
Gần đây, khoa học Tây phương lại chứng minh các chiết xuất từ nhân sâm thực sự có giá trị y liệu và được sử dụng trong các biện pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân chống chọi qua các cơn bạo bệnh. Do đó, giá nhân sâm dù loại sâm thô càng thêm tăng vọt cho công nghiệp chiết xuất dược phẩm.
Ông Glenn Heier, phó chủ tịch của liên hiệp nhân sâm và thảo mộc trong chuyến đi đến Đông Nam Á cho biết rằng nhân sâm bị người Trung Quốc ép giá một cách phi lý.
Họ có nhiều cách để dìm giá một cách rất khôn khéo khiến nhiều nông gia không yên tâm mà phải bán rẻ cho qua vụ mùa.
Nhiều người Hmong lại bị ràng buộc bởi hợp đồng mua hạt giống từ người Trung Quốc mà phải bán. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác" Nhia Chue, một người chủ trại sâm cho biết.
Một cân sâm Hoa Kỳ khô từ chỗ trồng có giá khoảng 200 đô-la, nhưng khi đến phố Tàu chỉ qua vài sắp xếp và tuyển lựa lại có thể lên đến 3000 - 4000 đô-la. Nhưng củ sâm có hình thù kỳ dị, giữ được chân râu của kỳ hoa dị thảo lại được bán riêng từng cá thể.
Những nghệ thuật làm sâm trồng thành sâm hoang dã, bán hoang dã biến nhân sâm trở thành loại nông sản độc đáo có một không hai của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc
Người Việt Nam cũng biết dùng sâm nhưng thị trường hiện nay do sâm Cao Ly từ Hàn Quốc làm chủ.
Phái đoàn sâm Hoa Kỳ đã dẫn theo hai người Mỹ gốc Việt là bà Thoa Vũ và Amy Huỳnh làm đại diện tiếp xúc thị trường. Được biết đại diện toà đại sứ Hoa Kỳ Việt Nam cũng sẽ có mặt để chứng kiến cuộc tìm kiếm thị trường này.
Bài viết của ký giả tự do Trần Đông Đức, hiện sống tại Philadelphia, thực hiện sau chuyến đi đến Wisconsin, Hoa Kỳ.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110621_us_ginseng.shtml
ĐỌC THÊM