Thomas J Campanella
Tác giả cuốn 'The Concrete Dragon'
Thượng Hải giờ đây có số nhà chọc trời nhiều gấp đôi New York
Ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, tập trung dọc theo vùng duyên hải bùng nổ, đã thu hút hàng triệu người từ các vùng nông thôn Trung Quốc nghèo khó.
Cuộc di dân vĩ đại này - vốn chưa từng có trong lịch sử loài người - đã đưa 46 thành phố Trung Quốc lên trên mức một triệu dân kể từ năm 1992, trong tổng số 102 thành phố như vậy trên toàn quốc.
Và đây mới chỉ là điểm khởi đầu.
Hiện chỉ có khoảng 40% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố, tức là tương đương với con số của Mỹ vào năm 1885.
Người ta ước tính rằng khoảng 350 triệu người TQ sẽ trở thành cư dân đô thị vào năm 2025, nâng số người thành thị của Trung Quốc lên con số một tỷ.
Việc cấp nhà ở cho những người này có nghĩa là công việc xây dựng sẽ được tiến hành trên quy mô mà thế giới chưa từng chứng kiến.
Trong 20 năm đầu của cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc, do Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ cuối những năm 1970, Trung Quốc xây dựng khoảng 6.5 tỉ mét vuông nhà ở mới - tương đương với hơn 150 triệu căn hộ kích thước trung bình.
Tại Thượng Hải vào năm 1980 không có tòa nhà chọc trời nào.
Ngày nay thành phố này đã có gấp đôi số nhà chọc trời của New York. Từ năm 1990 đến năm 2004, các công ty phát triển dựng lên khoảng 85 triệu mét vuông không gian thương mại trong thành phố - tương đương với 334 tòa nhà Empire State ở New York.
Trên toàn quốc, ngành công nghiệp xây dựng của Trung Quốc sử dụng một lực lượng lao động khoảng 37 triệu người.
Khu phố cổ Tiền Môn giờ thành điểm du lịch ở Bắc Kinh
Gần một nửa lượng thép và xi măng của thế giới bị nuốt vào công cuộc xây dựng này. Rất nhiều thiết bị xây dựng hạng nặng của thế giới cũng được chuyển tới TQ. Chẳng hạn các cần cẩu chọc trời đã trở thành biểu tượng phổ biến của các đô thị Trung Quốc.
'Bánh nở'
Nhưng cùng với việc xây dựng, cuộc cách mạng đô thị của Trung Quốc cũng đã phá hủy nhiều không kém.
Trong nỗ lực vươn lên thành giàu có và hiện đại, Trung Quốc đã làm mất đi di sản vô giá của chính nước này cũng như cho thế giới.
Bắc Kinh, từng có thời nằm trong số các kho tàng đô thị vĩ đại của thế giới, nhanh chóng trở thành chỉ một giao điểm của chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu.
Tình trạng phát triển đô thị ở Trung Quốc cũng đã di dời nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào trong thời bình.
Chỉ riêng tại Thượng Hải, các dự án tái phát triển vào những năm 1990 di dời nhiều cư dân hơn 30 năm đổi mới đô thị tại Hoa Kỳ.
Do các thành phố của Trung Quốc đang phát triển cả theo chiều ngang lẫn chiều dọc, quá trình đô thị hóa cũng ngốn mất một diện tích đáng kinh ngạc của vùng quê nông thôn.
Từ năm 1985 đến năm 1995, Thượng Hải đã tăng từ 90 dặm vuông lên tới 790 dặm vuông.
Tăng trưởng đô thị ở Trung Quốc như chiếc "bánh nở", đã nuốt chửng khoảng 45 ngàn dặm vuông đất sản xuất nông nghiệp trong 30 năm qua - tức là gần một nửa diện tích đất của Vương quốc Anh.
Phát triển vùng ngoại ô Trung Quốc cũng mang tính tập trung hơn nhiều so với Mỹ. Việc các gia đình sở hữu ngôi nhà đứng tách riêng độc lập - tiêu chuẩn ở Mỹ - là điều tương đối hiếm tại đây.
Trong khi đó, thị trường xe hơi nội địa của Trung Quốc hiện đã vượt quá của Mỹ, và các phòng trưng bày xe hơi lớn nhất thế giới ngày nay không phải ở Los Angeles hay Houston mà là tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Thị trường xe hơi nội địa ở Trung Quốc giờ vượt Mỹ
Để chứa dòng xe mới - Bắc Kinh và Thượng Hải trung bình mỗi ngày có 1000 xe đăng ký mới - là mạng lưới đường quốc gia cũng đang sắp qua mặt hệ thống đường liên tiểu bang của Mỹ.
Và cùng với xe ô tô và đường cao tốc là tất cả các không gian tiêu chuẩn của chủ nghĩa tiêu dùng ngoại ô - với các nhà hàng cho phép lái xe qua để mua đồ ăn, các trung tâm mua sắm lớn, các chuỗi nhà nghỉ rẻ tiền, và thậm chí cả một biểu tượng đã từng biến mất tại Mỹ là các rạp chiếu phim cho phép lái xe vào tận bên trong.
Cứu thế giới
Không một điều gì trong số những điều trên là tốt cho hành tinh Trái đất.
Thật mỉa mai rằng trong lúc phương Tây bắt tay vào xử lý các vấn đề môi trường - như cuối cùng đã có hành động nghiêm túc để giảm khí thải carbon, chống lại tình trạng trái đất nóng lên, và từ bỏ thói nghiện dầu lửa - thì tại đây, hàng triệu người Trung Quốc lại đang muốn có lối sống và tiện nghi vật chất vốn đã đưa chúng ta đứng trên bờ vực sụp đổ môi trường.
Nếu Trung Quốc sánh ngang với Mỹ về tình trạng sở hữu xe hơi tính trên đầu người thì điều này có nghĩa là sẽ có hơn một tỷ xe hơi tại đây.
Nói cách khác, là hành tinh của chúng ta sẽ được rán nóng lên.
Mà đó là còn chưa tính đến Ấn Độ, vốn sẽ sớm vượt qua Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ chậm chạp, Trung Quốc cũng đang xây dựng giao thông công cộng nhiều hơn tất cả các quốc gia khác kết hợp, và cũng đi trước Mỹ trong việc phát triển công nghệ xây dựng bền vững và năng lượng sạch thay thế như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối.
Theo một nghiên cứu của Pew Charitable Trusts, Trung Quốc đầu tư 34.6 tỉ USD vào ngành công nghiệp năng lượng sạch từ năm 2005 đến 2009 - gần gấp đôi của Mỹ.
Chúng ta có thể dạy Trung Quốc lái xe, ăn, và tiêu dùng đến mức gây hại, nhưng Trung Quốc có thể chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để cứu thế giới.
Thomas J Campanella là tác giả cuốn sách 'The Concrete Dragon: China's Urban Revolution and What it means for the World'. Ông đang nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Hoa Kỳ (American Academy) tại Rome
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/06/110622_asianpower_china_megacities.shtml
CÁC ĐẠI ĐÔ THỊ TIẾN HÓA RA SAO?